Các sân bay luôn trong tình trạng động nghẹt. Nguồn: Diễn đàn HK
Không còn vé giá rẻ
Chị Vân Anh (quê Đà Nẵng) cho biết, đầu tháng 7, chị vừa phải chi gần 7 triệu đồng cho cặp vé khứ hồi từ Đà Nẵng - TP.HCM, bay vào khung giờ sáng sớm. "Cứ nghĩ đặt vé bay sáng sớm thì giá vé sẽ mềm nhưng ai ngờ, vé đắt ngang dịp Tết" - chị Vân Anh cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên trên website của các hãng bay, các chặng bay đến điểm du lịch trong giai đoạn tháng 7 - 8/2022 cho thấy, giá vé máy bay đang tăng mạnh, hầu như không còn giá rẻ như các hãng quảng cáo. Trong đó, chặng bay Hà Nội - TP.HCM đang có giá 2,5 - 4 triệu đồng/vé; chặng Hà Nội - Phú Quốc có giá 2 - 2,3 triệu đồng/vé; chặng TP.HCM ra Đà Nẵng có giá thấp nhất là 1,3 triệu đồng/vé, thay vì 700.000 - 1 triệu đồng/vé như trước đây.
Đặc biệt, đường bay Hà Nội - Nha Trang cũng có giá vé bay khứ hồi cao vút. Theo đó, Vietjet Air niêm yết giá 4,3 - 6,1 triệu đồng/vé, Vietnam Airlines bán 4,6 - 6,3 triệu đồng/vé, Bamboo Airways bán vé với giá 4,5 - 6,6 triệu đồng và Pacific Airlines bán 4,4 - 4,7 triệu đồng/vé. Đây là chặng bay nội địa không dài nhưng lại có giá vé cao nhất trong tháng 7.
Theo các chuyên gia, thị trường hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi nhanh chóng với nhu cầu di chuyển tăng vọt của hành khách trong nước và quốc tế. Người dân cả nước cũng đang đón đợt cao điểm hè không bị giới hạn di chuyển đầu tiên sau 2 năm. Bên cạnh sự gia tăng của nhu cầu di chuyển hàng không, giá xăng dầu cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các hãng bay trên toàn thế giới.
Nhiều khách không có đủ ghế, phải ngồi vạ vật ở các sân bay. Nguồn: Diễn đàn HK
Quá tải trên trời, dưới đất
Theo ghi nhận, nhiều khách không có đủ ghế ngồi, phải nằm vạ vật ở các sân bay. Không chỉ ùn tắc cục bộ ở khu vực làm thủ tục, khu vực soi chiếu, do mật độ khai thác bay với tần suất cất/hạ cánh cao, tình trạng lưu thông ở sân bay, các đường băng và trên trời cũng ùn, nghẽn.
Chị Nguyễn Thanh Hà (ở Hà Nội) vừa có chuyến bay đi Hà Nội - Đà Nẵng cho biết, dù chị bay chuyến sớm 6h sáng nhưng sân bay Nội Bài đã tắc nghẽn, khách xếp hàng dài ở quầy làm thủ tục, soi chiếu, thậm chí phải chờ rất lâu mới có xe thang tới đón.
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết sản lượng vận chuyển hành khách đang vượt quá công suất thiết kế của nhiều sân bay, đặc biệt tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, khiến tỷ lệ chậm, hủy chuyến có xu hướng gia tăng so với trước đây.
Trong khi đó, đường băng của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được sửa chữa, nhưng các chuyến bay vẫn chưa thể cất cánh, hạ cánh song song do 2 đường băng quá sát nhau, khiến hành khách lên tàu bay đúng giờ nhưng vẫn chờ một thời gian dài mới được cất cánh.
Theo các chuyên gia, tình trạng quá tải tại các sân bay còn do thiếu nhân lực trong hầu hết các khâu, từ kiểm soát không lưu, an ninh sân bay, xử lý hành lý, phục vụ ăn uống, làm thủ tục lên máy bay… Cùng với đó, các yếu tố thời tiết xấu, hạ tầng sân bay yếu kém… cũng làm cho tình trạng trầm trọng thêm. Những nguyên nhân này khiến nhiều chuyến bay không thể thực hiện đúng giờ.
Ông Trần Hoài Phương Giám đốc Cảng vụ Miền Bắc khuyến cáo, kể từ đầu tháng 6 đến nay, trung bình mỗi ngày có từ 100-200 trường hợp hành khách vướng giấy tờ tùy thân khi làm thủ tục đi máy bay phải chậm chuyến, hủy chuyến. Phần lớn là giấy tờ bị hết hạn sử dụng hoặc mờ, trẻ em đủ 14 tuổi nhưng chưa kịp làm chứng minh nhân dân/căn cước công dân; trẻ em dưới 14 tuổi chỉ mang giấy khai sinh bản photocopy, thậm chí có hành khách quên không mang theo giấy tờ tùy thân... Hành khách chủ quan không kiểm tra trước từ nhà, chỉ khi lên đến sân bay, qua cửa an ninh hàng không mới phát hiện ra và bị từ chối chuyến bay.
"Để thực hiện các thủ tục hàng không thuận lợi, chúng tôi khuyến cáo hành khách khi mua vé tàu bay, cần đọc kỹ thông tin hoặc hỏi kỹ nhân viên của hãng hàng không về quy định giấy tờ đi tàu bay và hành lý mang theo chuyến", ông Phương nói.