Thị trường

Thị trường vàng "lệch pha", người mua chịu thiệt

PNO - Giá mỗi lượng vàng SJC trong nước đang cao hơn 19-20 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng "lệch pha" này đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cả Nhà nước,

Các tiệm vàng nhỏ ế ẩm 

Trong các đợt giá vàng lên cơn sốt, các điểm giao dịch của các thương hiệu lớn đông nghịt người nhưng các cửa hàng kinh doanh nhỏ lại vắng hoe. 

Chị Kim Hồng - chủ một tiệm vàng trong chợ Thiếc, Q.11, TPHCM - buồn rầu: “Tôi có hai cửa hàng nhưng do kinh doanh ế ẩm, phải đóng bớt một cái và vợ chồng phải ra ngồi bán chứ không đủ tiền mướn nhân viên. Đây là nghề truyền thống của gia đình nên chúng tôi cố gắng duy trì. Hơn nữa, nếu đóng cửa hết thì chúng tôi cũng không biết phải làm nghề gì”. 

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM - cho biết công ty ông có bốn cửa hàng nhưng do buôn bán ế ẩm nên phải đóng bớt một cái. Nhiều công ty, cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ khác cũng đang thu hẹp quy mô hoạt động. Ông so sánh: “Nếu trước đây, công ty tôi bán 100 món nữ trang/ngày thì nay chỉ bán được 1-2 món, thậm chí có ngày không bán được món nào”. 

thi-truong-vang-lech-pha-_401657216469.j
Loại vàng được giao dịch trên thị trường hiện nay chủ yếu là vàng nhẫn, đồ trang sức (ảnh chụp tại chợ Vườn Chuối, Q.3, TP.HCM) - ẢNH: THANH HOA

Theo ông, dù ế ẩm nhưng nếu có khách đến bán vàng thì các cửa hàng phải mua. Nếu bán ra không được thì nấu lại để bán dạng nguyên liệu cho các công ty lớn. Công ty nào nợ tiền ngân hàng nhưng sức mua yếu, không mua bán được, rồi không thể xoay được vốn cũng phải đem vàng đang có nấu lại để bán dạng nguyên liệu.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam - nhận định so với trước khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) độc quyền quản lý vàng miếng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (năm 2012), nhu cầu mua vàng trong nước đã giảm phân nửa, từ khoảng 100 tấn/năm giảm còn khoảng 40-50 tấn/năm. Trong đó, nhu cầu mua vàng nữ trang giảm còn khoảng 25 tấn/năm, nhu cầu mua vàng miếng SJC giảm nhiều do giá ngày càng cao hơn so với giá vàng thế giới. Cách đây năm năm, giá vàng SJC chỉ cao hơn giá vàng thế giới 3-5 triệu đồng/lượng, còn hiện nay cao hơn 19-20 triệu đồng/lượng. 

“Một thương hiệu vàng lớn vừa công bố tăng trưởng doanh số hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021. Các thương hiệu khác cũng tăng trưởng khá, số lượng cửa hàng kinh doanh ngày một mở rộng, cho thấy người tiêu dùng có xu hướng chọn mua trang sức từ các thương hiệu vàng lớn, dẫn đến việc các cửa hàng kinh doanh nhỏ ế ẩm” - ông Huỳnh Trung Khánh thông tin. 

Theo chuyên gia vàng Trần Thanh Hải, thời gian qua, các giao dịch tập trung vào vàng nhẫn nhưng nay lượng giao dịch vàng nhẫn cũng đang giảm do giá vàng thế giới đang giảm xuống. Từ đây đến cuối năm 2022, dự báo giá vàng thế giới khó tăng, trừ thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống Mỹ (tháng 9-10 tới đây). 

Chuyển từ kim loại sang “vàng giấy”

Từ khi NHNNVN độc quyền quản lý vàng miếng, vàng miếng SJC hầu như không được sản xuất thêm mà chỉ gia công lại vàng SJC bị móp méo. Do tổng lượng vàng ngày càng giảm nên giá vàng SJC trong nước tăng quá cao. Không còn liên thông với thị trường vàng thế giới, có lúc giá vàng trong nước lên đến 73 triệu đồng/lượng và hiện nay đang ở mức 68-69 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới tới 19 -20 triệu đồng/lượng. 

Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải cho rằng, hầu hết các trường hợp mua vàng lúc giá dưới 70 triệu đồng/lượng đều đang có lời. Thị trường vẫn ghi nhận giao dịch mua vẫn cao hơn giao dịch bán, cho thấy các nhà đầu tư vẫn đặt cược vào vàng, xem đây là một tài sản để tích trữ trước biến động của thị trường bất động sản, chứng khoán và trong bối cảnh đang có chiến tranh, lạm phát. Trên toàn thế giới, vàng vẫn là loại dự trữ ngoại hối bắt buộc, các ngân hàng trung ương đều có dự trữ vàng trong tài khoản. 

Dẫn số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, ông Trần Thanh Hải cho rằng, hiện số vàng trong dân của Việt Nam là vài trăm tấn nhưng do giá vàng trong nước không liên thông với giá thế giới nên khi giá vàng thế giới cao, lượng tài sản này vẫn nằm im. Đây là điều lãng phí. Theo ông, Nghị định 24/2012/CP-NĐ chống được tình trạng “vàng hóa” nhưng lại không khơi thông được nguồn vàng trong dân. Do đó, NHNNVN nên có giải pháp khởi động lại thị trường vàng bằng cách thành lập sàn vàng quốc gia, theo hướng gửi vàng không lãi suất rồi nhận chứng chỉ “vàng giấy”, được quyền đặt lệnh mua bán vàng trên sàn. Lúc này, khi thấy sàn có giao dịch mua bán, nhiều người sẽ gửi vàng tại ngân hàng, giá cả sẽ được bình quân trở lại và bám sát giá thế giới, Nhà nước không mất ngoại tệ nhập khẩu vàng, ngân hàng cũng có thêm tiền gửi không kỳ hạn (trường hợp người dân không gửi vàng mà gửi tiền để lấy “vàng giấy”). Nhà nước có thể sử dụng quỹ vàng này làm tài sản thế chấp để phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để có lãi suất thấp hơn, lấy chênh lệch này bù lại cho người gửi vàng. 

“Vàng nhẫn, vàng nữ trang cũng là hàng hóa, phục vụ nhu cầu cho đại đa số người dân nên cần đưa về Bộ Công Thương quản lý. Các tiệm vàng sẽ được mua bán hợp pháp, không tăng chi phí sản xuất, thị trường vàng trở về đúng nghĩa cất giữ, đầu tư” - ông Trần Thanh Hải đề xuất. 

Ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, thị trường vàng tại Việt Nam đang bị méo mó, nhà đầu tư Việt Nam đang bị thiệt thòi do không được mua vàng giá rẻ. So với các nước trong khu vực, chỉ Việt Nam cho phép độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng. Các nước khác được nhập khẩu vàng tự do. Để cân bằng thị trường vàng hiện nay, cần bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng. Những doanh nghiệp nào chứng minh được lượng vàng bán ra, đồng thời có nhu cầu sản xuất thì được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ý kiến này đã được Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đề xuất nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Ông Huỳnh Trung Khánh phân tích: “Có ý kiến cho rằng, cho phép nhập khẩu vàng là giảm nguồn dự trữ ngoại hối. Điều này chỉ đúng với cách đây mười năm, khi dự trữ ngoại hối ít. Còn hiện nay, nguồn ngoại hối quốc gia đang trên 100 tỷ USD, nếu nhập khẩu 5-10 tấn vàng thì chỉ bằng 0,5 - 1% nguồn dự trữ ngoại hối. Do doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên phải mua trôi nổi trên thị trường với tên gọi “vàng tái sinh” hay “vàng tái chế”, tạo điều kiện cho các đối tượng buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam, khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi, Nhà nước cũng thất thu thuế”. 

Thanh Hoa

Cùng chuyên mục

Giá thịt, trứng tiếp tục tăng mạnh

Giá xăng, dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít

Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo nhắm tới người mua hàng online

Cẩn trọng khi chọn mua sản phẩm chống muỗi

Vải thiều không hạt cháy hàng

Việt Nam xuất 6.230 tấn thịt, nhập về 235.320 tấn

Du lịch MICE của TPHCM đủ sức hút khách quốc tế

Giá USD tăng mạnh

TPHCM treo thưởng 80 triệu đồng để tìm mẫu quà tặng khách du lịch

Trái phiếu doanh nghiệp “tràn” về các tỉnh