Sức khỏe

Chuyển mùa, trẻ mắc bệnh hô hấp tăng

PNO - TPHCM những ngày qua thời tiết thất thường, nắng, mưa liên tục khiến trẻ mắc các bệnh về hô hấp như cúm, viêm phế quản, viêm phổi… có xu hướng tăng.

Theo các bác sĩ, TPHCM và các tỉnh phía Nam đang chuyển mùa, thời tiết mưa, nắng thất thường làm cho trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi... Hiện tại, ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, số lượng trẻ bị bệnh hô hấp đang có dấu hiệu tăng. 

Nhiều trẻ nhập viện 

Những ngày qua, trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm mũi họng… nhập viện tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM tăng dần. Hầu hết cha mẹ cho biết, ban đầu các bé chỉ ho sụt sùi, các cơn ho tăng lên, có những bé ho liên tục không ngủ được phải nhập viện điều trị.

chuyen-mua-tre-mac-benh-ho-_641657489848
Bà của bé T.B.M. đang chờ đến lượt phun khí dung cho bé - Ảnh: Phạm An
avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Dỗ dành mãi, bé N.A.H. (3 tháng tuổi, ở tỉnh Long An) mới lim dim ngủ, chị Nguyễn Thị Thanh (34 tuổi, mẹ của bé H.) tranh thủ pha sữa ủ sẵn cho con. Chị nói: “Con gái tôi nằm viện hai ngày, chỉ mới đỡ ho một chút, mới ngủ lại được. Bốn ngày trước bé ho khan, tưởng con bị dị ứng với khăn mới nên tôi để ở nhà theo dõi, không ngờ bé bị viêm tiểu phế quản nặng, vào đây đã phải thở khí dung nhiều lần mới đỡ”.

Đưa điện thoại cho bé T.T.K. (bốn tuổi, ở quận 10) xem phim hoạt hình để bé chịu ngồi yên khi phun khí dung, anh Trần Trọng Nghĩa (ba của bé K.) nói đây là lần phun khí dung thứ tư của con chỉ sau một ngày nhập viện. Bé K. có bệnh hen suyễn nên gia đình rất cẩn trọng trong các sinh hoạt hằng ngày của con. Do bé K. hay bị hắt hơi, sổ mũi nên người lớn nghĩ bé bị dị ứng với bụi xe. Nhưng chỉ tám tiếng sau, cơn ho ập đến liên tục, tần suất dày đặc khiến bé K. không thể nằm ngủ. Gia đình đưa con đi khám mới biết bé bị viêm hô hấp nặng.

Nghĩ bé P.G.H. (2 tháng tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) còn quá nhỏ, gia đình không bế bé ra ngoài chơi, suốt ngày để bé trong phòng, giữ máy lạnh khoảng 26oC. Bất cứ ai ra vào phòng ngủ với bé đều tắm rửa, khử khuẩn tay sạch sẽ nhưng bé H. vẫn phải nhập viện cấp cứu vì bỏ bú, li bì, vàng da… Mẹ của bé kể: “Bé là con đầu của tôi, cũng là cháu đầu tiên của hai bên nội, ngoại. Lo cháu bị COVID-19, sốt xuất huyết nên cả nhà giữ cháu trong phòng cho an toàn. Chúng tôi đã giữ rất kỹ rồi, không ngờ bé cũng bị bệnh”.

Theo mẹ của bé H., bác sĩ cho biết bé vàng da là do lâu ngày không được tiếp xúc ánh sáng, điều trị đơn giản bằng bổ sung các loại vitamin cần thiết. Tuy nhiên, ở suốt trong máy lạnh, ít được xoay trở, lau mồ hôi, bé H. ngoài bị nhiễm lạnh còn bị viêm phổi nặng phải nhập viện điều trị.

Trẻ dưới 3 tháng tuổi dễ mắc bệnh về hô hấp

Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM đang điều trị cho hơn 200 trẻ nội trú. Trong đó, trẻ trên dưới hai tháng tuổi bị viêm tiểu phế quản chiếm đa số. Một số trẻ khác có bệnh nền, diễn tiến nặng, phải thở máy tại phòng cấp cứu. Hiện tại, các bé mắc các bệnh liên quan đến hô hấp ở mức độ nhẹ, trung bình. Diễn tiến này đang được xem là phù hợp so với bệnh hô hấp hằng năm, nhưng bác sĩ dự báo nếu không được kiểm soát tốt, số lượng trẻ mắc bệnh sẽ tăng đáng kể.

chuyen-mua-tre-mac-benh-ho-_451657489865
Các bé mắc bệnh liên quan đến hô hấp đang được phun khí dung điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - Ảnh: Phạm An

Bác sĩ Lê Bình Bảo Tịnh - Phó khoa Hô hấp 1 - cho biết bệnh về hô hấp là bệnh thường niên, khi chuyển mùa trẻ rất dễ nhiễm bệnh. Năm nay, trẻ mắc hô hấp tăng song song với sốt xuất huyết, tay chân miệng, khi trẻ nhập viện, nguy cơ lây nhiễm chéo cho nhau sẽ rất phức tạp. Trẻ em có hệ miễn dịch thấp nên là đối tượng dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp. Ban đầu, trẻ chỉ bị ho nhẹ, nhưng khoảng một, hai ngày sau, trẻ ho nhiều, tần suất liên tục, thậm chí ho không ngủ được, cha mẹ phải nghĩ ngay đến viêm đường hô hấp và đưa trẻ đến các bệnh viện nhi để được thăm khám kịp thời. 

Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cũng cho biết, bên cạnh trẻ mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, có khoảng 250 trẻ, hầu hết các bé bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen phế quản… đang được điều trị tại Khoa Hô hấp. Trong đó, không ít trường hợp trẻ viêm đường hô hấp do gia đình sử dụng máy lạnh, máy điều hòa quá nhiều.

Các bác sĩ khuyến cáo, tuy dịch COVID-19 đã lắng xuống nhưng người lớn và trẻ nhỏ vẫn nên duy trì đeo khẩu trang, khử khuẩn, rửa tay thường xuyên. Việc này vừa đơn giản, tiện lợi, ít tốn kém vừa ngăn ngừa được rất nhiều bệnh, kể cả bệnh hô hấp, tay chân miệng… Bên cạnh đó, cha mẹ cho con ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi tốt, vệ sinh mũi thường xuyên cho trẻ. 

Lưu ý khi cho trẻ ở phòng máy lạnh

Các bác sĩ lưu ý, thời tiết nắng nóng, sử dụng máy lạnh là việc nhiều gia đình lựa chọn, nhất là tại TPHCM. Tuy nhiên, nếu sử dụng máy lạnh, cha mẹ nên duy trì nhiệt độ phòng trung bình 26-270C. Bởi khi ngủ, thân nhiệt cơ thể giảm, cộng thêm nhiệt độ chênh lệch quá lớn với bên ngoài, sức đề kháng của trẻ sẽ giảm, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn sinh sôi gây viêm đường hô hấp. 

Khi cho trẻ nằm máy lạnh từ 2-3 tiếng, phải tắt khoảng 30-45 phút mới bật lại để hạn chế trẻ bị nhiễm lạnh. Nếu muốn bế bé ra ngoài, phải có vùng đệm để tránh sự chênh lệch nhiệt độ. Với nhà không có vùng đệm, nên tắt máy lạnh, chờ khoảng 20-30 phút để cơ thể trẻ tự điều chỉnh, thích nghi rồi mới cho trẻ ra ngoài. Không để trẻ đang lạnh đột ngột lại bị nóng dễ gây nguy cơ viêm đường hô hấp trên, thậm chí cả viêm phổi cấp tính.

Nếu từ ngoài đường về nhà, không được cho trẻ vào thẳng phòng máy lạnh, mà nên sử dụng phòng khách làm vùng đệm, để trẻ chơi 7-10 phút rồi mới cho phép vào phòng máy lạnh. Cha mẹ lưu ý, nếu da trẻ đột ngột bị đỏ ửng, nhất là ở hai má, có thể trẻ đã bị chênh lệch nhiệt độ gây tình trạng tăng lưu lượng máu, trẻ cũng rất dễ bị viêm đường hô hấp.

Sau khi sử dụng máy lạnh, phải mở cửa phòng, kéo rèm cho ánh nắng chiếu vào để phòng thoáng khí, hạn chế được vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh. Vệ sinh máy lạnh định kỳ để tránh “làm ổ” cho vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, nên tập cho trẻ thói quen uống nước, nhất là khi ở phòng máy lạnh để tránh mất nước.

Phạm An

 

Cùng chuyên mục

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe LavaDiamon hỗ trợ giảm các triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh.

Mùa hè nóng đến cỡ nào, mẹ cũng chớ nên cạo trọc đầu con vì những lý do này

Bị mò cắn vào vùng kín, người phụ nữ nhiễm trùng huyết, nguy kịch

Đau đầu vô cùng khó chịu, đây là mẹo giúp bạn có thể chấm dứt tình trạng này ngay lập tức mà không cần dùng thuốc

Kích hoạt báo động đỏ cứu ca té lầu nguy kịch

Măng cụt là “Nữ hoàng của các loại trái cây” khi ăn đúng, nhưng lại hại cơ thể khi ăn sai. Hai kiểu người không nên ăn tùy tiện

Những loại thực phẩm giúp ngăn ngừa đột quỵ

Ngày thứ ba, số ca mắc COVID-19 giảm liên tiếp

Nếu bạn có ý định cho con nhỏ đi du lịch trong kỳ nghỉ, đừng quên tham khảo những kinh nghiệm quý báu và rất thực tế này

Có nên bổ sung nguồn sữa non từ bên ngoài cho trẻ?