Sức khỏe

Mang thai ở ruột, gan…

PNO - Xưa nay, khi nói đến thai ngoài tử cung, mọi người hay nghĩ thai sẽ nằm ở vòi trứng. Thực tế, phôi thai có thể đi lạc và làm tổ ở nhiều vị trí khác trong ổ bụng, nếu phát hiện trễ sẽ gây chảy máu ồ ạt, tử vong cho mẹ.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm - Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - mọi người hay hiểu chưa đúng rằng thai ngoài tử cung là trứng chỉ làm tổ ở vòi trứng dù đây là vị trí có tỷ lệ thai ngoài tử cung nhiều nhất, chiếm từ 80-90%. Tuy nhiên, thai còn có thể nằm ở buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng, ruột và gan.

Mang thai trong gan

pncn26-mang-thai-o-ruot-gan-_86165664438
Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Hữu Liệt và ê-kíp mổ đang khâu cầm máu gan cho bệnh nhân mang thai trong gan (ảnh do bệnh viện cung cấp)

Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Hữu Liệt - Khoa Ngoại gan - mật - tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết đơn vị vừa phối hợp cùng ê-kíp của Bệnh viện Từ Dũ cứu thành công một trường hợp thai trong gan. Đây là tình huống vô cùng hy hữu mà suốt 22 năm làm nghề, bác sĩ Liệt mới ghi nhận hai lần.

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Cụ thể, ngày 11/6, khi đang trong ca trực, bác sĩ Liệt nhận được chỉ đạo của cấp trên cùng với một đồng nghiệp sang hỗ trợ Bệnh viện Từ Dũ một ca thai trong gan. Bệnh nhân tên T.T.L.N., sinh năm 1996, quê quán Trà Vinh, mang thai bảy tuần. Qua thăm khám, siêu âm, bác sĩ Liệt đánh giá khối thai có kích thước 5-6cm nằm ở hạ phân thùy 6. Thai nằm sâu trong nhu mô gan, một phần nhô vào trong ổ bụng, dính vào đại tràng góc gan và thận phải. Bệnh nhân than đau hạ sườn phải, vẫn tỉnh táo.

Bác sĩ đã giải thích với bệnh nhân và gia đình về hai phương án để lựa chọn: mổ ngay tại Bệnh viện Từ Dũ hoặc chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy mổ. Bác sĩ e ngại Bệnh viện Từ Dũ chuyên về sản khoa, không có đủ trang thiết bị cho một cuộc mổ gan. Bác sĩ còn bàn với các đồng nghiệp và cấp trên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, dự định cho người bệnh chụp CT đánh giá đầy đủ tổn thương để có phương pháp can thiệp phù hợp. Tuy nhiên, khi siêu âm, các bác sĩ ghi nhận khả năng thai đã vỡ, phải lập tức mổ cấp cứu thai phụ.

Dù vậy, ê-kíp mổ vẫn tính toán, cố gắng để ca mổ hạn chế thấp nhất những tổn thương cho thai phụ. Bác sĩ Liệt thực hiện nội soi trước, nếu ổn thì cầm máu và lấy thai ra qua đường nội soi. Nếu bệnh nhân bị chảy máu mới chuyển qua mổ hở để cầm máu cho an toàn.

Khi nội soi, ê-kíp phẫu thuật nhận thấy có 700g máu không đông và 300g máu cục trong ổ bụng người bệnh. Lúc soi vào, chỉ mới vừa bộc lộ khối thai thì máu đã chảy rất nhanh. Các bác sĩ đành lập tức chuyển qua mổ hở để cứu người mẹ. Bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ đảm nhiệm việc lấy hết khối thai ra còn bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy khâu cầm máu gan.

Trong quá trình phẫu thuật, huyết áp bệnh nhân ổn định, lượng máu mất khoảng 1,5 lít, truyền 2 đơn vị máu. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.

Theo bác sĩ Liệt, nhờ cầm máu ở nhu mô gan ổn, các bác sĩ không hề cắt gan mà chỉ khâu lại nên chức năng gan của chị N. sẽ không bị ảnh hưởng. Dù thế, đây là ca mổ hở nên bệnh nhân cần theo dõi nguy cơ bị dính ruột.

Cách đây khoảng 10 năm, bác sĩ Liệt cũng ghi nhận một ca thai trong gan, phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ mổ cứu sống người mẹ. Ca đó cứu được nhưng mất máu khá nhiều, sau này bệnh nhân bị di chứng suy gan.

Những ca thai ngoài tử cung làm tổ ở vòi trứng, lúc lớn lên sẽ làm vỡ vòi trứng, gây xuất huyết nhưng vẫn còn dễ cứu hơn thai làm tổ ở gan. Gan có nhiều mạch máu, nếu thai vỡ ra sẽ vô cùng nguy hiểm, gây chảy máu ồ ạt, bệnh nhân có thể chết ngay trên bàn mổ. 

Năm 2007, từng có một ca tương tự nhưng đáng tiếc là mất cả mẹ lẫn con. Khi đó, thai nhi 22 tuần tuổi, nặng 600g; người mẹ bị xuất huyết nội tạng trước khi phẫu thuật, tử vong trong ca mổ vì không thể cầm máu.

Mang thai ở ruột

Về cơ chế, khi trứng rụng, vòi trứng sẽ bắt lấy. Trứng di chuyển đến khoảng 1/3 vòi trứng sẽ thụ thai rồi tiếp tục di chuyển vào trong tử cung làm tổ. Trong một số trường hợp hy hữu, trứng rụng rớt ra khỏi vòi trứng. Khi trứng rơi ra ngoài vòi trứng từ 5-7 ngày chưa bám vào đâu, cứ trôi dạt và đến cuối chu kỳ di chuyển, nếu trứng trôi tới gan thì làm tổ ở gan, đôi khi làm tổ ở ruột…

Bác sĩ Thắm từng tham gia một ca mổ thai làm tổ ở ruột. Ca này bị đau bụng, vào bệnh viện khám mới biết mình bị thai ngoài tử cung nhưng thai đã được 20 tuần.

Khi phẫu thuật, các bác sĩ thấy bánh nhau nằm bám trên ruột. Trong quá trình bóc tách thai và bánh nhau, phải cắt bỏ cả một phần ruột của người mẹ. Rất may, trường hợp này bệnh nhân chưa bị chảy máu nên cứu sống được. 

Trễ kinh, thử thai hai vạch phải đi khám ngay

Bác sĩ Thắm lưu ý, trường hợp chị em trễ kinh, thử que test thai thấy hai vạch, đi siêu âm không có thai trong tử cung thì phải lập tức đến bệnh viện chuyên khoa sản để được kiểm tra kỹ lưỡng. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm xét nghiệm máu nhằm kiểm tra chỉ số xét nghiệm beta HCG.

Nếu chỉ số này cao trên 1.000 U/l thì nhất định phải nghĩ tới trường hợp thai ngoài tử cung, bệnh nhân cần được siêu âm và làm các chẩn đoán cận lâm sàng khác để xác định vị trí thai đang làm tổ. Với tuần thai nhỏ (kích thước thai dưới 3cm), thai phụ chỉ cần tiêm thuốc để làm bào thai tự teo đi.

Tuy nhiên, với thai lớn, bắt buộc phải phẫu thuật lấy ra để cứu tính mạng người mẹ. Sau ca mổ, sức khỏe của người mẹ sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ lâu dài. Chẳng hạn thai nằm trong vòi trứng, khi cắt bỏ một bên vòi trứng thì khả năng mang thai của bệnh nhân sau này sẽ khó hơn bình thường.

Tương tự, thai làm tổ ở các vị trí khác trong ổ bụng sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng các chức năng ở bộ phận mà thai trú đóng.

Theo bác sĩ Thắm, các trường hợp thai ngoài tử cung phát hiện trễ thường xảy ra ở phụ nữ mang thai con so. Không ít trường hợp khi chậm kinh, thử thai thấy hai vạch nhưng cố chờ tới khi thai 8-9 tuần mới khám để chắc chắn là mình có thai. Nếu mang thai ngoài tử cung mà đợi thai 8-9 tuần tuổi mới đi khám thì rất nguy hiểm cho tính mạng người mẹ. 

Các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung

Thời gian đầu, phụ nữ mang thai ngoài tử cung sẽ có triệu chứng như quá trình mang thai thông thường (trễ kinh, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực…). Sau đó, thai ngoài tử cung sẽ có các dấu hiệu khác thường: chảy máu âm đạo, đau tức vùng chậu (đau bụng dưới, đau một bên bụng kiểu âm ỉ, thỉnh thoảng đau nhói).

Nếu phôi thai lạc chỗ vẫn không được phát hiện mà tiếp tục phát triển sẽ vỡ ra gây chảy máu ồ ạt. Lúc này, thai phụ có các biểu hiện: đau bụng dữ dội, choáng váng, ngất xỉu, sốc… Khi đã tới mức độ này đồng nghĩa tính mạng thai phụ đang bị đe dọa.

Các nguyên nhân dẫn tới mang thai ngoài tử cung là: mang thai khi đã lớn tuổi; có tiền sử mang thai ngoài tử cung; viêm nhiễm ống dẫn trứng, tử cung, buồng trứng và mắc một số bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, lối sống không lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân. Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn bình thường.

Mang thai ngoài tử cung không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe phụ nữ mà còn là cú sốc tâm lý lớn. Phụ nữ sau khi mang thai ngoài tử cung đối diện với nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm. 

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Mùa hè nóng đến cỡ nào, mẹ cũng chớ nên cạo trọc đầu con vì những lý do này

Bị mò cắn vào vùng kín, người phụ nữ nhiễm trùng huyết, nguy kịch

Chuyển mùa, trẻ mắc bệnh hô hấp tăng

Đau đầu vô cùng khó chịu, đây là mẹo giúp bạn có thể chấm dứt tình trạng này ngay lập tức mà không cần dùng thuốc

Kích hoạt báo động đỏ cứu ca té lầu nguy kịch

Măng cụt là “Nữ hoàng của các loại trái cây” khi ăn đúng, nhưng lại hại cơ thể khi ăn sai. Hai kiểu người không nên ăn tùy tiện

Những loại thực phẩm giúp ngăn ngừa đột quỵ

Ngày thứ ba, số ca mắc COVID-19 giảm liên tiếp

Nếu bạn có ý định cho con nhỏ đi du lịch trong kỳ nghỉ, đừng quên tham khảo những kinh nghiệm quý báu và rất thực tế này

Có nên bổ sung nguồn sữa non từ bên ngoài cho trẻ?